Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra những cơ hội hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được thông qua trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu ngày càng phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
EVFTA là FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết cao gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ. Việc EVFTA được đưa vào thực thi sẽ tạo một cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn Việt Nam đã có nhiều lợi thế cạnh tranh. Các điều khoản trong EVFTA được xây dựng minh bạch, công khai, rõ ràng nhằm xây dựng một môi trường pháp lý chặt chẽ giúp Việt Nam có thể phát triển thị trường ra các quốc gia EU và nhiều quốc gia trên thế giới.
EVFTA đưa ra một số cam kết liên quan đến Thương mại hàng hóa bao gồm cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của EU. Điển hình như ngành Thủy sản thuộc nhóm hàng Nông – Thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệp lực; nhóm hàng công nghiệp sẽ được giảm khoảng từ 37 – 83% dòng thuế tùy theo từng mặt hàng ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU,…
Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường hợp không được bảo lưu rõ (theo kết quả cam kết thì chỉ có Việt Nam có bảo lưu về vấn đề này).
Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ đầu tư hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, trong đó:
– Cam kết của EU cho Việt Nam: Cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây của EU.
– Cam kết của Việt Nam cho EU: Cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam cho các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại của Việt Nam.
EVFTA cũng đưa ra một số cam kết liên quan đến việc đưa ra mức bảo hộ cao hơn so với WTO về sở hữu trí tuệ, thống nhất về các nguyên tắc đối với các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp, cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) về Thương mại và Phát triển bền vững, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trong thời gian thực thi Hiệp định,…
EVFTA là Hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển. Việc thực thi EVFTA sẽ đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN và là một trong những nước châu Á – Thái Bình Dương mà EU xây dựng mối quan hệ sâu rộng về chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, an ninh quốc phòng.
EVFTA được đánh giá vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Về thách thức trước mắt, các doanh nghiệp có thể sẽ khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ bởi hầu hết các nguyên liệu sử dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc hoặc ASEAN. EU là một thị trường khó tính, vì vậy, để hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam phải hoàn thiện thêm rất nhiều về chất lượng, chuẩn bị vững về tinh thần đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ mà EU đưa ra.
Mặc dù vậy, EVFTA cũng là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khi mà EU là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt nam nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn khiêm tốn, vì vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội về mở rộng doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh về giá hàng hóa khi nhập khẩu vào khu vực thị trường quan trọng này.
Đăng ký nhận chi tiết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu tại đây:
Thông tin chi tiết liên hệ:
Website: https://bsop.com.vn/
Hotline: 0904 966 797 – 098 913 6666
-> Tìm hiểu tổng quan kinh tế, chính trị, xã hội tại đảo Síp
-> Tìm hiểu xu hướng công dân toàn cầu mới
-> Tìm hiểu các dự án bất động sản quốc tế tiềm năng
-> Tìm hiểu cách thức đầu tư cư trú châu Âu nhiều người Việt lựa chọn