0989 13 6666

‘Con cá mập’ 46% – Góc nhìn của TGĐ Lưu Minh Ngọc trên Vnexpress

04/04/2025

Mỹ bất ngờ áp thuế nhập khẩu lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam – một cú sốc khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Thế nhưng, trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội. Giống như cách người Nhật thả cá mập nhỏ vào bể để giữ cá luôn tươi sống, cú đánh thuế này có thể chính là “con cá mập nhỏ” khiến doanh nghiệp Việt phải vận động, thức tỉnh và chủ động vươn ra toàn cầu.

Trong bài viết mới nhất đăng trên chuyên mục Góc nhìn của báo VnExpress, Tổng Giám đốc Lưu Minh Ngọc đã đưa ra những phân tích sâu sắc về bối cảnh thương mại hiện nay, đồng thời gợi mở các hướng đi chiến lược – đặc biệt với thị trường châu Âu.

Bài viết trên VnExpress đã được rút gọn về dung lượng nên để theo dõi toàn bộ nội dung đầy đủ, nhà đầu tư có thể xem bản gốc dưới đây:

“Người Nhật từng kể về bí quyết giữ cá tươi khi đánh bắt xa bờ: họ thả vào bể một con cá mập nhỏ, đủ để làm cả đàn cá phải vận động không ngừng, nhờ đó cá về đến bờ vẫn còn tươi sống. Trong bể lớn của nền kinh tế Việt Nam, những cú áp thuế, những rủi ro từ chiến tranh thương mại cũng đang đóng vai trò của “con cá mập nhỏ” ấy – buộc chúng ta phải chuyển mình, tư duy lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, tranh thủ tìm kiếm các đối tác và các cách làm mới, và coi đó là cơ hội cũng như động lực để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới – chủ động hơn – đi ra thế giới nhiều hơn.

Bối cảnh thế giới những tháng đầu năm 2025 cho thấy “con cá mập nhỏ” ấy đang hiện diện rõ nét. Vừa trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng ban hành các chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Ông sử dụng chính sách thuế như một quân bài đàm phán trong quan hệ với nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh thân cận, đồng thời bảo hộ nền sản xuất công nghiệp trong nước.

Gần đây, Mỹ tiếp tục siết chặt thuế nhập khẩu trên diện rộng, từ nhôm thép toàn cầu đến hàng hóa từ Canada, Mexico, Trung Quốc và một số mặt hàng của Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump đã chính thức ban hành mức thuế nhập khẩu “đối ứng” áp dụng lên hàng hóa từ nhiều quốc gia. Hàng hóa từ Việt Nam chịu thuế tới 46% – cao nhất trong nhóm các nước bị áp thuế. Những động thái cứng rắn này kéo theo các biện pháp trả đũa từ các nước liên quan, tạo nên vòng xoáy thuế quan leo thang. Chiến tranh thương mại thực sự đang hiện diện với những hệ lụy và diễn biến khó lường.

Việt Nam hưởng lợi trước, đối mặt thách thức sau

Nhìn lại nhiệm kỳ đầu của ông Trump năm 2018, khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam đã hưởng lợi tức thời. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm đó đạt 35,46 tỷ USD. Đến năm 2019, con số này lên tới 38,02 tỷ USD, tăng 7,2%. Nếu không tính kỷ lục 72 tỷ USD của năm 2008 (một năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO) thì đây là mức cao kỷ lục trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế đã khiến thị phần xuất khẩu dệt may và giày da từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm đáng kể, trong khi hàng hóa Việt Nam nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Chiến lược “Trung Quốc +1” – vừa sản xuất tại Trung Quốc, vừa mở rộng sang một quốc gia khác để giảm rủi ro – cũng như chiến lược “friendshoring” của các công ty Trung Quốc và đối tác của họ đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam vượt 123 tỷ USD trong năm 2024, đưa Việt Nam trở thành đối tác có thâm hụt thương mại lớn thứ tư của Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, EU và Mexico, và khiến Việt Nam lọt vào tầm ngắm trực tiếp của chính sách thuế mới từ Washington. Điều lo ngại đó đã trở thành hiện thực: Mỹ hiện áp thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa Việt Nam – mức thuế cao nhất trong các nước bị ảnh hưởng, giáng một đòn nặng vào nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, da giày và điện tử.

Nhiều hiệp hội ngành hàng, từ gỗ, dệt may, da giày đến điện tử, đã bày tỏ lo ngại rằng mức thuế quá cao sẽ khiến hàng Việt Nam rất khó cạnh tranh, và nhiều đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ bị hủy hoặc sụt giảm. Trước sức ép này, bên cạnh việc hy vọng  vào sự chèo lái của Nhà nước và chính phủ để có những cuộc đàm phán có kết quả tốt liên quan đến mức thuế này cùng với chính phủ Mỹ, thì các doanh nghiệp trong nước phải chủ động ngay lập tức tìm hướng đi khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư xuyên biên giới, chúng tôi luôn nhấn mạnh nguyên tắc: không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Thực tế vừa rồi càng chứng minh rằng trong môi trường thương mại đầy biến động, việc chuẩn bị phương án dự phòng (Plan B) là tối quan trọng.

Xuất khẩu vào Mỹ hiện chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do đó việc đa dạng hóa thị trường là vô cùng cấp thiết. Đặc biệt, khi cánh cửa thị trường Mỹ đang thu hẹp vì hàng rào thuế quan mới, việc tìm kiếm thêm các thị trường thay thế càng trở nên quan trọng. Ngoài các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU, doanh nghiệp Việt có thể mở rộng sang các khu vực mới như Mỹ Latinh và châu Phi. Tuy nhiên, thay vì dàn trải quá nhiều, doanh nghiệp cần tập trung khai thác hiệu quả các thị trường có tiềm năng và điều kiện thuận lợi.

Một hướng đi cần khai thác triệt để: Liên minh châu Âu

Với nhiều năm nghiên cứu về đầu tư quốc tế và đặc biệt tại thị trường châu Âu, tôi muốn chia sẻ đôi điều về hoạt động thương mại với EU như một hướng đi mà chúng ta có thể tận dụng, bên cạnh những giải pháp khác mà chúng ta có thể triển khai để giảm thiểu tác động của việc áp thuế này. Chúng ta có thể tư duy tương tự với các thị trường khác, nhất là khi thị trường Mỹ đang gặp nhiều thách thức bởi rào cản thuế quan mới.

EU là khối kinh tế hàng đầu thế giới với 27 quốc gia, 450 triệu dân, chiếm 1/6 GDP toàn cầu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đồng thời là nguồn FDI quan trọng, chiếm 40% tổng FDI toàn cầu.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng thực tế doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này. Một số hướng tiếp cận mà Việt Nam có thể cân nhắc bao gồm:

Thay thế hàng xuất khẩu vào Mỹ bằng EU: Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ vẫn chưa được khai thác mạnh tại EU. Việc tìm hiểu và mở rộng sang thị trường này có thể giúp giảm rủi ro thương mại, đặc biệt khi hàng vào Mỹ đang gặp khó khăn vì thuế cao.

EU như một trung tâm trung chuyển: Doanh nghiệp có thể sử dụng một quốc gia EU làm cửa ngõ để phân phối hàng hóa vào toàn khối, cũng như sang các thị trường lân cận như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia Đông Âu.

Đăng ký thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ: EU có cơ chế bảo hộ nhãn hiệu trên toàn khối, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao giá trị thương hiệu khi mở rộng thị trường và tránh trường hợp bị đối tác khác đăng ký trước chính tài sản của mình.

Tận dụng các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại: EU có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lượng sạch mà doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận trực tiếp ngay tại Việt Nam thông qua hoạt động của các tổ chức EU, cũng như các chương trình kết nối khác.

Nhập khẩu công nghệ và hàng hóa từ EU: EU vẫn là một cái nôi công nghệ lớn của thế giới, việc hợp tác với họ để mang công nghệ về Việt Nam, gia công công nghệ cho họ nhằm nâng cao năng lực là một cách làm phù hợp, nhất là trong giai đoạn Nhà nước nhấn mạnh rằng khoa học công nghệ là con đường duy nhất đưa đất nước phát triển.

Nhận hỗ trợ tài chính và đầu tư: Nhiều quỹ đầu tư EU sẵn sàng cấp vốn cho các doanh nghiệp Việt nếu ta có chi nhánh hoặc công ty con tại châu Âu; các lĩnh vực liên quan tới năng lượng sạch và công nghệ thường được ưu tiên.

Thu hút vốn từ EU về Việt Nam: FDI từ EU chiếm khoảng 40% FDI toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực thu hút nguồn vốn này. Thay vì chỉ ngồi ở Việt Nam chờ họ tìm đến, chúng ta phải chủ động sang tận “sân nhà” của họ để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Hợp tác chiến lược và mua bán, sáp nhập (M&A) ngay tại EU: Từ kinh nghiệm cá nhân trong quá trình tư vấn và triển khai mở rộng ra thị trường nước ngoài, tôi cho rằng việc mua lại doanh nghiệp bản địa là một trong những hướng đi thực tế và hiệu quả nhất. Thay vì bắt đầu từ con số 0, sở hữu một công ty đã có sẵn tư cách pháp nhân, hệ thống, thương hiệu, công nghệ, thị trường và nhân sự tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm thời gian, tăng tốc hội nhập và giảm rủi ro thị trường. Những thương vụ chúng tôi từng thực hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp tại EU sẵn sàng chuyển nhượng với mức giá rất hợp lý.

EU không chỉ là một thị trường tiềm năng mà còn là đối tác chiến lược với Việt Nam, và cũng là đối tác đáng tin cậy, ít có những thay đổi đột ngột về chính sách. Việc khai thác tốt hơn EVFTA và các cơ hội từ châu Âu không chỉ giúp doanh nghiệp Việt giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.

Hành động một mình là tốt, nhưng hãy đi cùng nhau

Trong quá trình hội nhập và mở rộng ra toàn cầu, chúng ta có thể học hỏi từ cách các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đưa doanh nghiệp tiến ra thế giới. Đó không phải là những bước đi đơn lẻ, mà là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính phủ, các đại sứ quán, hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tư nhân. Họ đi cùng nhau – với cùng chiến lược, cùng hệ sinh thái, cùng tiếng nói tại địa phương.

Cộng đồng doanh nhân Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Họ tổ chức thành những nhóm gắn kết: doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ; các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước hậu thuẫn mạnh mẽ để triển khai các thương vụ M&A quy mô lớn. Họ mua lại doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao để đi tắt đón đầu, mua ngân hàng sở tại để làm chỗ dựa cho doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục phát triển. Họ đầu tư vào cảng biển, logistics để kiểm soát chuỗi cung ứng, tối ưu chi phí, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Nhờ đó, Trung Quốc không còn chỉ là công xưởng của thế giới, mà đang vươn lên trở thành trung tâm công nghệ, tài chính, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực cốt lõi toàn cầu.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể tìm hiểu cách làm của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ cũng tiến vào EU theo đội hình chuỗi giá trị, hình thành nên những cụm công nghiệp, những cộng đồng doanh nhân và hệ sinh thái từ doanh nghiệp đầu tàu tới doanh nghiệp vệ tinh, ngân hàng, logistics… cùng tiến vào EU, giống như cách họ đang hiện diện rất hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ chủ động đi ra thế giới để đầu tư và mở rộng thị trường, họ còn rất tích cực trong việc thu hút vốn và công nghệ từ thế giới về nước mình – nhưng bằng cách chủ động kết nối, xây dựng hạ tầng và cơ chế hỗ trợ chứ không thụ động chờ đợi. Họ thường xuyên tổ chức các chiến dịch xúc tiến đầu tư quốc tế, cử đại diện đến các thị trường trọng điểm để tìm kiếm đối tác, và quan trọng nhất: họ tạo niềm tin rằng môi trường pháp lý, nhân lực, chính sách nội địa đủ hấp dẫn để dòng vốn quốc tế yên tâm “cập bến.”

Đây là một bài học lớn cho Việt Nam. Nếu muốn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch, giáo dục, y tế…, chúng ta cần chủ động hơn nữa: thiết lập các “văn phòng xúc tiến đầu tư ngược” ngay tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, kết nối doanh nghiệp quốc tế với các khu công nghiệp chiến lược của Việt Nam, đồng thời chứng minh rằng doanh nghiệp Việt có thể cùng họ tạo ra giá trị bền vững. Chỉ khi chúng ta đi trước một bước, nhà đầu tư toàn cầu mới có lý do để chọn Việt Nam thay vì chỉ xem Việt Nam như “một lựa chọn ngẫu nhiên trong khu vực”.

Như vậy, những câu chuyện nêu trên là bài học thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới đầy thách thức: chúng ta cần những mô hình hợp lực – nơi doanh nghiệp không đi một mình, mà đi cùng nhau với sự đồng hành của chính sách, thể chế và các mạng lưới hỗ trợ. Bản thân chúng tôi cũng đang từng bước triển khai những sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt theo hướng tiếp cận này, và hy vọng sẽ dần thu hút được nhiều hơn nữa sự quan tâm và tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức trong nước.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể đi sâu hơn vào các ý tưởng triển khai. Nhưng tôi hy vọng những gợi ý trên có thể truyền thêm chút cảm hứng để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đi ra thế giới. Hãy cùng nhau biến nguy cơ thành sức mạnh, hòa mình vào lời kêu gọi của Chính phủ về một “kỷ nguyên vươn mình”, để các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sống qua được những rủi ro xảy tới, mà còn vươn mình mạnh mẽ, chinh phục các thị trường biển lớn quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.”

Hiện tại, BSOP đang tổ chức chuỗi sự kiện trực tuyến để cùng bàn luận và chia sẻ chuyên sâu các vấn đề xoay quanh câu chuyện NGUY CƠ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (xem chi tiết), nhà đầu tư có thể đăng ký tham dự miễn phí.

Tại sao nhà đầu tư nên tham gia?

– Cập nhật thông tin mới nhất về kinh tế, đầu tư quốc tế và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

– Tiếp cận các cơ hội đầu tư phù hợp với doanh nghiệp, nhu cầu của gia đình nhà đầu tư.

– Hỏi – Đáp trực tiếp với chuyên gia đầu ngành.

– Tham gia hoàn toàn miễn phí.

– Sự kiện diễn ra trực tuyến, cho phép nhà đầu tư tham gia dễ dàng từ bất kỳ đâu.

Đăng ký ngay để không bỏ lỡ cơ hội!

Hotline: 0904 966 797 – 098 913 6666 hoặc điền thông tin dưới đây:


BSOP – KẾT NỐI TOÀN CẦU – ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

HOTLINE: 0904 966 797 – 098 913 6666

5/5 - (1 bình chọn)

Tin tức cùng chuyên mục

18/12/2024

VTV3 đưa tin về BSOP EXPO 5

Chiều ngày 17/12/2024, VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam đã đưa thông tin về Tuần lễ "BSOP EXPO 5: VISION 2025 – GLOBAL INVESTMENT WEEK" được tổ chức bởi BSOP. Điều này không chỉ khẳng định quy mô và tầm ảnh hưởng của sự kiện mà còn là minh chứng rõ ràng cho chất lượng và giá trị mà sự kiện mang lại.

23/05/2022

Event “SỨC NÓNG THỊ TRƯỜNG ĐẦU TƯ QUỐC TẾ VỚI ...

Sáng 21/05/2022, event "Sức nóng thị trường đầu tư quốc tế với người Việt" do BSOP tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp, đưa đến cho các nhà đầu tư tham dự chương trình nhiều thông tin "nóng hổi" về thị trường đầu tư định cư quốc tế. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động BSOP event được tổ chức dựa trên quá trình quan sát, ghi nhận và đánh giá phản hồi từ quý nhà đầu tư với các chương trình định cư được BSOP triển khai.

25/08/2021

Các nguyên thủ châu Âu trong kỷ nghỉ hè sau ...

Tháng 6 và 7 vừa qua, những người đứng đầu các quốc gia chống dịch tốt tại châu Âu đã nhiều hoạt động thú vị trong kỳ nghỉ hè sau Covid-19. Đa số dành thời gian bên gia đình, bạn bè tại dinh thự nổi tiếng hay những bãi biển tuyệt đẹp.

21/08/2021

Du lịch châu Âu hưởng lợi bất ngờ từ Covid-19

Nhờ Covid-19, nhiều thành phố nổi tiếng ở châu Âu nhận ra rằng họ thật sự cần những du khách "sang, xịn" chứ không phải chạy theo số lượng như lâu nay. Đây là lợi ích bất ngờ từ đại dịch, dường như đang "cải cách" nhận thức và tư duy hoạt động của toàn ngành du lịch nơi đây.

19/08/2021

Xếp hạng 25 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới ...

Henley & Partners vừa cập nhật Bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực nhất toàn cầu mới nhất của quý 3 năm 2021. Đứng đầu bảng là Nhật Bản và xếp cuối cùng là Afghanistan, và chiếm đa số trong top 10 vẫn là hộ chiếu các quốc gia châu Âu.

Nội dung và thông tin trên website này mang tính chất quảng bá và tham khảo, không phải là nội dung chính xác nhất về các sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ việc gì phát sinh từ nội dung website này. Để có thông tin chính xác nhất vui lòng gửi thông tin về [email protected]