0989 13 6666

Recap Btalk: Thách thức và cơ hội của người Việt khi đầu tư nước ngoài

24/05/2024

Ngày 18/05/2024, sự kiện "BSOP EXPO Mùa 4: Ngày hội đầu tư quốc tế - Cánh cửa kết nối toàn cầu" đã diễn ra thành công tại khách sạn Melia Hà Nội, với những phản hồi tích cực từ khách tham dự. Sự kiện này cung cấp thông tin, dữ liệu, xu hướng và góc nhìn mới mẻ về thị trường đầu tư di trú, mở ra những cơ hội đầu tư mới.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trích dẫn những chia sẻ đáng chú ý từ ông Đặng Dương Anh – Luật sư, Giám đốc điều hành Công ty Luật VILAF và ông Lưu Minh Ngọc – Tổng giám đốc Bắc Sơn Group & BSOP khi thảo luận về chủ đề “Chiến lược đầu tư 2024 và con đường vươn ra thế giới của doanh nhân Việt”.

Nhận diện các thách thức và cơ hội của người Việt khi đầu tư ra nước ngoài

Ông Đặng Dương Anh, một luật sư nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm trong các thương vụ M&A, đã phác thảo bức tranh tổng quan về những thách thức đối với cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài. Ông nhấn mạnh rằng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Việt Nam cũng phải tìm hiểu về thị trường, hệ thống pháp lý, ổn định chính trị, lao động, ngoại hối, và quy định về sở hữu đất đai.

Khi đầu tư trên đất khách, nhà đầu tư cần hiểu rõ hệ thống pháp luật của quốc gia đầu tư, đảm bảo dự án có đủ giấy phép, và biết cách chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp. Các quy định nghiêm ngặt về chống rửa tiền, đặc biệt tại châu Âu, đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc. Việc mở tài khoản ngân hàng ở nước sở tại cũng không đơn giản vì mỗi ngân hàng có chính sách riêng.

Chế độ thuế cũng là một vấn đề lớn, như ở Mỹ, công dân phải đóng thuế dù họ có ở quốc gia nào. Việc thanh toán các tiện ích hay phí dịch vụ cũng khác nhau giữa các quốc gia, đòi hỏi nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ.

Ngoài ra, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và khí hậu cũng là những thách thức không nhỏ. Ví dụ, khí hậu lạnh của Canada khiến người Việt nói riêng và người châu Á nói chung thường chọn Vancouver để cư trú. Cộng đồng dân cư cũng là một yếu tố quan trọng khi quyết định nơi đầu tư.

Khi thảo luận về chủ đề này, ông Lưu Minh Ngọc đã chia sẻ từ góc độ của một doanh nhân. Ông nhấn mạnh rằng doanh nhân luôn là những người nhanh chóng nhận diện các cơ hội kinh doanh. Sau khi đánh giá xong các cơ hội, mới bước vào giai đoạn thẩm định tính pháp lý. Còn luật sư luôn đóng vai trò quan trọng ở việc xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro có thể xảy ra.

Là một doanh nhân đã dành phần lớn thời gian ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Ngọc cho biết ở một số quốc gia, nhà đầu tư có thể mua bất động sản mặt phố với giá 5-10 tỷ đồng và nhận được dòng tiền lên tới 8-10% mỗi năm bằng euro. Thậm chí, mức thấp nhất cũng phải đạt 4%. Nhà đầu tư có thể mua từ một đến hai hoặc thậm chí 30 tài sản và đặt chúng vào cấu trúc quỹ để tối ưu hóa lợi nhuận. Đây là cơ hội rất tốt dưới góc nhìn của một người kinh doanh.

Còn từ góc độ của các luật sư, họ sẽ cần tìm hiểu về cách thức chuyển tiền, lập tài khoản, tính hợp pháp của dự án và luật pháp nước sở tại. Do vậy, các nhà đầu tư hãy luôn nhìn nhận cơ hội với sự lạc quan và đồng thời quản trị rủi ro với sự hỗ trợ của các luật sư giỏi như ông Dương Anh. Nếu các nhà đầu tư chưa quen sử dụng dịch vụ luật sư, hãy cân nhắc việc này để yên tâm hơn.

4 câu chuyện nhỏ gợi ý về những cơ hội đầu tư

Tiếp nối câu chuyện, ông Dương Anh đã chia sẻ 4 câu chuyện nhỏ, cũng chính những gợi ý về các cơ hội dành cho các nhà đầu tư tham dự sự kiện.

Câu chuyện thứ nhất, ông kể về nhóm bạn của mình đã đầu tư vào bất động sản tại Lisbon và Porto, Bồ Đào Nha cách đây bảy năm. Dù bất động sản lúc đó rất rẻ, nhưng chỉ có 3 người dám đầu tư. Sau đó, họ mở một nhà hàng ở Lisbon và thành công, mở rộng kinh doanh bằng cách mua cả một rừng bấc và hầm rượu vang để xuất về Việt Nam. Hiện nay, nhóm này đã tăng lên 15 người và phần lớn đã có quốc tịch và rất thành công.

Câu chuyện thứ hai là về một cặp vợ chồng trẻ mà ông gặp trên chuyến bay sang châu Âu để tìm cơ hội đầu tư và giáo dục cho ba con nhỏ. Họ chọn châu Âu vì không muốn con cái vào môi trường học tập quá cạnh tranh và chi phí rẻ hơn. Họ cũng định hướng cho con theo ngành kiến trúc tại một trường nổi tiếng ở quốc gia đó, và chọn trường tiếng Anh cho con để tương lai sau này con có thể sang các nước châu Âu bên cạnh như là Anh hoặc xa hơn là Mỹ.

Câu chuyện thứ ba liên quan đến xu hướng khách hàng ở Nga và Đông Âu quay lại Việt Nam để đầu tư mà ông đang phụ trách. Ông cho rằng đây cũng là cơ hội cho các doanh nhân Việt có cơ sở hoặc vốn lớn để đầu tư ở Nga hay Đông Âu. Khi quay về Việt Nam, họ được coi là nhà đầu tư nước ngoài và được bảo hộ bởi luật pháp Việt Nam, cũng như các hiệp định đầu tư quốc tế như WTO. Khách hàng thường đặt những câu hỏi khá lạ lùng cho ông, chẳng hạn như: “Liệu họ có thể góp vốn bằng cổ phần công ty ở Nga vào một công ty tại Việt Nam không?”, “Có cách nào để chuyển đổi vốn giữa hai quốc gia không?”, hoặc “Họ muốn mua một công ty ở Việt Nam, nhưng thay vì thanh toán bằng tiền, liệu có thể trao đổi cổ phần để người bán ở Việt Nam sở hữu cổ phần tại Nga và công ty của họ ở Nga sẽ sở hữu cổ phần tại Việt Nam không?”

Câu chuyện thứ tư chính là về việc học hành của con cái ông. Gia đình ông đã đưa các con sang Mỹ học từ cấp 3 và việc học trường nội trú là một thách thức lớn. Dĩ nhiên, với các gia đình di cư từ sớm và đã có quốc tịch Mỹ, con cái họ sẽ được hưởng những chế độ ưu việt. Ví dụ, khi mình ở Việt Nam phải đóng 70.000 USD cho trường nội trú ở Mỹ, thì những gia đình có quốc tịch Mỹ chỉ phải đóng khoảng 2.000 USD.

Cuộc sống và sinh hoạt tại các trường nội trú ở Mỹ giống như trong một trường quân đội và bắt buộc phải có người bảo hộ cho học sinh dưới 18 tuổi. Việc tìm người bảo hộ cũng không phải là dễ.

Khi lên đại học, các con lại phải cân nhắc giữa học ngành STEM hay NON-STEM. Trường STEM là các trường kỹ thuật dạy về khoa học tự nhiên, và sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, sinh viên sẽ có ưu đãi được ở lại Mỹ 2 năm để tìm việc.

Các trường NON-STEM dạy về Khoa học, Luật… chỉ cho sinh viên một năm để tìm việc, và việc này gần như không thể. Bởi ở Mỹ, để có cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, sinh viên cần phải thực tập (intern) từ năm thứ ba. Nếu học luật như ông, thì vào năm thứ hai phải có intern, tức là được nhận thực tập sinh tại một hãng luật, mới có hy vọng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Còn nếu đến năm thứ tư mới có intern thì gần như chắc chắn không có việc làm.

Cuối buổi tọa đàm, ông cũng chia sẻ thêm về việc đầu tư bất động sản kèm quyền lợi về cư trú có lợi rất nhiều cho kế hoạch tương lại của con cái và gia đình. Nó sẽ là một phần hỗ trợ các gia đình vượt qua được tất cả các trở ngại không chỉ là về tài chính mà còn là vấn đề an toàn.

Mọi thông tin về việc đầu tư kinh doanh, mở doanh nghiệp tại nước ngoài, nhà đầu tư hãy liên hệ với BSOP theo hotline 0904 966 797 để được hỗ trợ trực tiếp. 

5/5 - (1 bình chọn)

Tin tức cùng chuyên mục

16/08/2024

Btalk 03: Cơ hội và thách thức của người Việt ...

Btalk số 3 được chúng tôi trích dẫn lại nội dung từ buổi Talkshow “Chiến lược đầu tư 2024 và con đường vươn ra thế giới của doanh nhân Việt” diễn ra tại Hà Nội trong sự kiện BSOP EXPO Mùa 4 vào tháng 5 vừa qua.

18/06/2024

Btalk 01: “Ai mà chả thích có cuốn hộ chiếu ...

Btalk – Trải nghiệm đầu tư di trú, một chương trình podcast trò chuyện với những người Việt đang sống, làm việc và kinh doanh trên toàn cầu của BSOP. Khách mời mở màn cho chương trình này là anh Đoàn Trịnh Khôi, người đã sống ở Pháp từ đầu những năm 1989 và hiện đang sở hữu hai quốc tịch: Pháp và Việt Nam.

Nội dung và thông tin trên website này mang tính chất quảng bá và tham khảo, không phải là nội dung chính xác nhất về các sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ việc gì phát sinh từ nội dung website này. Để có thông tin chính xác nhất vui lòng gửi thông tin về [email protected]